Định nghĩa
Khi nói đến mác bê tông là nói đến khả năng chịu nén của mẫu bê tông. Theo tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam (TCVN 3105: 1993 TCVN 4453: 1995), mẫu dùng để đo cường độ là một mẫu bê tông hình lập phương có kích thước 150 mm × 150 mm × 150 mm, được dưỡng hộ trong điều kiện tiêu chuẩn quy định trong TCVN 3105: 1993, trong thời gian 28 ngày sau khi bê tông ninh kết. Sau đó được đưa vào máy nén để đo ứng xuất nén phá hủy mẫu (qua đó xác định được cường độ chịu nén của bê tông), đơn vị tính bằng MPa (N/mm²) hoặc daN/cm² (kg/cm²).
Trong kết cấu xây dựng bê tông chịu nhiều tác động khác nhau: chịu nén, uốn, kéo, trượt, trong đó chịu nén là ưu thế lớn nhất của bê tông. Do đó, người ta thường lấy cường độ chịu nén là chỉ tiêu đặc trưng để đánh giá chất lượng bê tông, gọi là mác bê tông.
Mác bê tông phân loại:
Được phân loại từ 100, 150, 200, 250, 300, 400, 500 và 600. Khi nói rằng mác bê tông 200 chính là nói tới ứng xuất nén phá hủy của mẫu bê tông kích thước tiêu chuẩn, được dưỡng hộ trong điều kiện tiêu chuẩn, được nén ở tuổi 28 ngày, đạt 200 kG/cm². Còn cường độ chịu nén tính toán của bê tông mác 200 chỉ là 90 kG/cm² (được lấy để tính toán thiết kế kết cấu bê tông theo trạng thái giới hạn thứ nhất).
Ngày nay người ta có thể chế tạo bê tông có cường độ rất cao lên đến 1000 kg/cm².
Ở các quốc gia khác nhau quy định kích thước mẫu có thể khác nhau. Theo tiêu chuẩn Mỹ, mẫu bê tông hình trụ tròn đường kính 150 mm, chiều cao 300 mm (thí nghiệm nén dọc trục). Để các tiêu chuẩn được tương đương cần có hệ số quy đổi.
Theo: http://vi.wikipedia.org
Quy định về cường độ bê tông hiện nay.
Theo Tiêu chuẩn 22TCN 18-79 (Quy trình thiết kế cầu cống theo trạng thái giới hạn_ sẽ gọi tắt là QT 18-79).
Các mác BT theo cường độ chịu nén được dùng cho kết cấu cầu là: 150, 200, 250, 300, 400, 500, 600. Tuy nhiên, trong thực tế đã dùng cả những mác BT khác như mác 450.
Đối với mỗi loại mác BT nói trên, QT 18-79 quy định cụ thể các trị số của cường độ tiêu chuẩn chịu nén đúng tâm Rn , chịu nén khi uốn Ru , chịu cắt trượt Rc , mô đun đàn hồi E, …. Những trị số này được lấy theo đúng
Quy trình năm 1967 của Liên Xô, vì vậy có thể chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiện sản xuất ở nước ta.
Từ năm 1985, ở Liên Xô đã sử dụng TC mới ký hiệu SNIP II-03-85, trong đó đã bỏ khái niệm về mác BT theo cường độ chịu nén và đưa ra khái niệm về cấp BT theo cường độ chịu nén mà trị số của nó chính là trị số cường độ ứng với xác suất 0,95 (tương ứng với trị số cường độ tiêu chuẩn của BT mà QT 18-79 đưa ra). Trị số của mác BT mà QT 18-79 đưa ra là trị số tương ứng với xác suất 0,5 khi nén thử mẫu khối lập phương (150x150x150)mm.
TC hiện hành để thiết kế kết cấu BT và BTCT của nhà và các công trình dân dụng, công nghiệp là TCXDVN 356-2005. TC được Bộ Xây dựng ban hành năm 2005, được biên soạn dựa theo TC của Nga, do đó trong TC đã sử dụng các đặc trưng vật liệu là “Cấp độ bền chịu nén của BT”, “Cấp độ bền chịu kéo của BT” và mẫu thử là khối lập phương (150x150x150)mm, tuổi 28 ngày;
Năm 2005, Bộ GTVT đã ban hành TC 22TCN 272-05 (Tiêu chuẩn thiết kế cầu) để thay thế TC 22TCN 18-79 khi thiết kế cầu trên đường bộ. Theo TC 22TCN 272-05 đã quy định dùng mẫu thử BT là hình trụ tròn 15cmx30cmvà dùng khái niệm Cấp bê tông fc’ (không còn khái niệm mác BT).
Cấp bê tông fc’ hay còn gọi là cường độ chịu nén quy định (cường độ chịu nén ở tuổi 28 ngày), đơn vị MPa (1 MPa = 10 kG/cm2 = 1N/mm2 ).
Đối với từng cấu kiện, cấp bê tông phải được quy định rõ trong bản vẽ thiết kế, trong tài liệu hợp đồng. TC đã quy định, không dùng các loại BT có cấp thấp hơn 16 Mpa cho các loại kết cấu; cấp BT của kết cấu dự ứng lực và bản mặt cầu không được thấp hơn 28 Mpa; BT có cấp ≥ 70 Mpa chỉ được dùng khi có các thí nghiệm vật lý xác định được các quan hệ giữa cường độ chịu nén của BT với các tình chất khác.
Việc đánh giá cường độ BT trong công trình cầu tuân thủ theo Phần 8 [Kết cấu BT] của TC thi công cầu AASHTO LRFD;
Nước ta, do nhiều điều kiện nên chưa tự xây dựng cho mình bộ tiêu chuẩn kỹ thuật hoàn chỉnh và nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình có nguốn vốn khác vốn nhà nước lại phụ thuộc bên cấp vốn.
Qua đây cho thấy, những cán bộ của Chủ đầu tư, cán bộ thiết kế- lập dự toán, thi công và giám sát công trình phải thật sự hiểu biết về công trình chuẩn bị được giao, để thực hiện công việc một cách khoa học và đúng đắn